Hiểu về phái sinh một cách đơn giản nhất. (Phần 1)

Có rất nhiều bài viết về phái sinh trên mạng, tuy nhiên hầu hết trong số chúng khiến tôi cũng như bạn đọc xong cũng chẳng hiểu gì. Đơn giản là vì họ giải thích 1 thuật ngữ tài chính bằng quá nhiều thuật ngữ tài chính khác cũng khó hiểu không kém .

Do đó hôm nay tôi viết bài này hi vọng giúp mọi người hiểu rõ được khái niệm và bản chất của Phái sinh là gì ?

Phái Sinh là gì ?

Định nghĩa chung thì nó là những công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị của tài sản liên quan. Tức bản thân nó không có giá trị độc lập cụ thể như vàng, usd, dầu…Mà phái sinh chứng khoán thì giá trị phụ thuộc mã chứng khoán đó, phái sinh vàng thì phụ thuộc giá vàng…

Phân loại phái sinh ?

Có rất nhiều loại phái sinh, do bản thân phái sinh là sự kết hợp của các hợp đồng ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi liên quan tới giá, lãi suất, tỷ giá… nên khi kết hợp nhiều kiểu ràng buộc thì ta có rất nhiều kiểu phái sinh. Tuy nhiên chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu 4 loại phái sinh cơ bản:

phai-sinh
  • Hợp đồng kỳ hạn (Forwards):
    • VD: Thời điểm hiện tại ngày 30/03/2020 giá lúa là 5,000VNĐ/kg. Doanh nghiệp A xuất khẩu lúa gạo, kí HĐ kì hạn với Hợp tác xã B chuyên trồng lúa. Nội dung HĐ như sau: Mua 1000 tấn lúa của B vào ngày 30/09/2020 với giá 6,000 VNĐ/ kg. Hợp đồng này do chính bên A và B thỏa thuận nhau để kí kết.
  • Hợp đồng tương lai (Futures): Giống như hợp đồng kỳ hạn nhưng được chuẩn hóa hơn. Sẽ có 1 bên C làm trung gian và soạn thảo cũng như giữ tiền ký quỹ giữa 2 bên A và B. Loại hợp đồng này có thể được mua bán cho 1 bên khác như bên D chẳng hạn. Theo ví dụ ở trên giả sử thời điểm 30/06/2020 giá lúa tăng 7,000 VNĐ/kg. Có bên D muốn mua lại HĐ mà bên A đã kí với bên B thì có thể giao dịch mua lại.
  • Hợp đồng quyền chọn (Option): quyền chọn mua và quyền chọn bán. Có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đó. Để tránh lặp từ thì ta sẽ dùng tiếng anh thay cho tiếng Việt. Put Option là quyền chọn bán và Call Option quyền chọn mua.
    • Ví dụ: Công ty A sản xuất xi măng, mua 1 hợp đồng Put Option với giá xi măng là 55,000 VNĐ/ bao vào thời điểm ngày 30/08/2020. Khi mua hợp đồng Put Option này thì A phải trả phí cho bên bán Put Option. Và A có quyền thực hiện hoặc hủy quyền bán này. Giả sử 30/8 giá xi măng lên 60,000 VNĐ thì A có quyền không bán với giá 55,000 VNĐ nữa.
    • Tương tự với quyền chọn mua, tóm lại bạn chỉ cần phân biệt 1 chút là Option thì gắn với quyền nhưng không phải nghĩa vụ. Có nghĩa là bạn có thể hủy không thực hiện theo hợp đồng. Chỉ phải tốn phí thôi.
    • Trong Option cũng chia ra kiểu châu Âu và kiểu Mỹ, kiểu châu Âu thì việc thực hiện quyền sẽ được diễn ra đúng ngày đáo hạn. Còn kiểu Mỹ thì có thể thực hiện quyền bất cứ lúc nào trước ngày đáo hạn.
  • Hợp đồng hoán đổi (Swaps) : Loại hợp đồng này thì thường sử dụng trong tiền tệ với các quy định về lãi suất hoặc tỉ giá.
    • Ví Dụ: Bạn là 1 công ty xuất nhập khẩu, vừa xuất hàng đi thu được 100k$. Tháng sau bạn sẽ cần 100k$ để trả tiền hàng mà bạn sẽ nhập khẩu vào tháng tới. Nhưng bạn không thể giữ 100k$ để dành tới tháng sau vì vốn bạn phải luân chuyển. Nhưng bạn lại sợ rủi ro tỉ giá USD tháng sau quá cao. Lúc đó bạn có thể ký hợp đồng với ngân hàng bán 100k$ này cho bank lấy VNĐ đồng thời mua lại 100k$ này với tỉ giá xác định vào tháng sau. Đó là một hợp đồng hoán đổi.
phan-loai-phai-sinh

Trong mỗi loại hợp đồng như Forwards, Futures, Options, Swaps… lại chia làm nhiều kiểu nhiều loại khác nhau . Tuy nhiên ở đây chúng ta sẽ chỉ giới thiệu đơn giản dễ hiểu nên sẽ không đi sâu phần đó.

Những lợi ích của hợp đồng phái sinh mang lại :

  • Phòng hộ hoặc giảm nhẹ rủi ro bằng cách tham gia một hợp đồng phái sinh mà giá trị của nó di chuyển theo hướng ngược lại với giá trị nội tại tài sản. Đơn giản như bạn mua vàng nhưng lại sợ vàng rớt nhanh quá thì mua kèm một quyền chọn bán để có thể phòng ngừa nếu rủi ro xảy ra.
  • Tạo sự đa dạng và khả năng tiếp xúc với tài sản nhiều hơn mà không cần phải sở hữu nó. Giống như việc các nhà đầu tư lớn phố Wall có thể mua bán giao dịch các sản phẩm phái sinh của Bitcoin mà không cần phải tạo ví hay sở hữu Bitcoin.
  • Cung cấp đòn bẩy, một thay đổi nhỏ trong giá trị tài sản cũng sẽ gây ra sự khác biệt lớn với tài sản phái sinh.
  • Đầu cơ và thu lợi nhuận nếu giá trị của tài sản cơ sở di chuyển theo cách mà người ta mong đợi.
  • Chuyển phân bổ tài sản giữa các loại tài sản khác nhau mà không làm ảnh hưởng đến tài sản cơ sở.

Tóm lại qua bài viết này chắc bạn đã nắm được cơ bản về khái niệm phái sinh cũng như các loại thông dụng và tác dụng của nó. Bài viết sau ở phần 2 chúng ta sẽ bàn về các loại hình phái sinh trong Crypto. Mời các bạn đón đọc.