Nhập môn tiền mã hóa (Phần 2: Hiểu về P2P và Blockchain)

Bài trước bạn đã có những khái niệm cơ bản về tiền tệ, sự ra đời của bitcoin cũng như phân biệt khác nhau của Bitcoin với các loại tiền ảo khác. Bài này chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về mô hình và cách vận hành của mạng lưới Bitcoin. Xem lại bài trước: Nhập môn tiền mã hóa (Phần 1: Tổng quan và nhận định sai lầm).

Mạng ngang hàng P2P là gì

Trước tiên bạn cần phân biệt 2 mô hình hoạt động của Internet hiện tại. Mô hình máy khách máy chủ (Client- Server) và mô hình P2P.

Bạn sử dụng Facebook, bạn tải phần mềm về và post bài viết hình ảnh lên. Dữ liệu này của bạn sẽ được lưu tại máy chủ của Facebook. Người dùng Facebook khác cũng thế. Đây là mô hình Client – Server. Bạn sử dụng Google, Youtube…hay rất nhiều dịch vụ khác cũng là mô hình này.

blockchain-p2p

Mô hình P2P thì bạn ít gặp hơn, nếu ai đã từng tải file bằng Torrent thì sẽ hiểu. Nó là mô hình các máy tính ngang hàng với nhau, vừa đóng vai trò máy chủ vừa đóng vai trò máy khách.

Đơn giản thế này nhé: Tôi là lập trình viên giỏi và tôi viết ra một phần mềm cho phép ai cài phần mềm đó thì có thể kết nối với nhau thông qua Internet. Thông tin về người dùng sẽ được phần mềm lưu lại trên 1 thư mục tại chính máy tính của người dùng. Đồng thời cũng lưu tại các máy tính của những người dùng khác. Và người dùng có quyền truy cập xem thông tin này thông qua phần mềm đó. Đây chính là 1 mạng P2P phổ biến.

Okay vậy bạn đã có khái niệm sơ qua về mạng ngang hàng P2P rồi chứ. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên google về các ứng dụng P2P khác.

Ví dụ dễ hiểu về cách hoạt động của Blockchain ?

Ví dụ thế này nhé, bạn mua 100tr VNĐ ETH trên Phố Bitcoin. Bạn ra Vietcombank làm lệnh chi, Giao dịch viên sẽ kiểm tra xem số dư của bạn có đủ 100tr hay không và các tính hợp lệ khác, nếu ok VCB sẽ ghi có ở tài khoản của Phố Bitcoin 100tr đồng thời trừ 100tr trong tài khoản của bạn. VCB nhắn tin SMS và chúng tôi tin ok đã nhận được tiền và chuyển ETH cho bạn.

Image-97

Ngân hàng ở đây đơn giản đóng vai trò là 1 cuốn sổ cái, ghi thông tin về số dư, lịch sử giao dịch của các người dùng.

Vậy vấn đề ở đây là gì ? Là cả bạn và tôi chúng ta đều tin vào 1 bên thứ 3 là Ngân hàng. Nếu lỡ bank bị hack hay hệ thống lỗi, hay giao dịch viên hạch toán sai, hay đơn giản SMS của họ bị lỗi nhắn tin cộng tiền cho tôi khi bạn chưa gửi tiền….thì sao. Trong lịch sử từ xưa tới nay chúng ta đều phụ thuộc và 1 bên thứ 3 như vậy để tạo dựng niềm tin giữa cá nhân.

Vậy có cái gì có thể đáng tin hơn để thay thế ngân hàng không. Câu trả lời đó chính là Blockchain.

Ví dụ: Bạn có 1 nhóm 10 người thường xuyên giao dịch với nhau mà không muốn phụ thuộc vào Ngân hàng hay tổ chức thứ 3 nào. Họ sẽ thỏa thuận ban đầu rằng phát cho mỗi người 1 tờ giấy trên đó có thông tin về số dư ban đầu của mỗi người, danh tính mỗi người được Ẩn đi do mã hóa đổi thành 1 chuỗi kí tự.

blockchain

Giả sử người số 1 muốn chuyển 10$ cho người số 2. Số 1 sẽ thông báo cho tất cả mọi người là :” Tôi muốn chuyển 10$ tới số 2″. Tất cả 10 người sẽ kiểm tra trên tờ giấy của họ coi số 1 có đủ số dư 10$ không. Nếu ok tất cả sẽ đồng ý và ghi có 10$ vào người số 2 và trừ 10$ đi của người số 1. Giao dịch được hoàn thành.

Bạn thấy đó, như vậy số dư vào giao dịch của những người này hoàn toàn có thể diễn ra tiếp tục, mãi mãi mà không cần 1 bên thứ 3 như ngân hàng.

Vậy Blockchain là cái gì ?

Block là khối, Chain là chuỗi, bạn có thể tưởng tượng đơn giản Blockchain giống như 1 chuỗi dây xích, mỗi mắc xích là 1 block sẽ lưu trữ thông tin. Mỗi block (mắc xích) sẽ liên kết với 2 mắc xích trước và sau. Nếu ta thay đổi 1 mắc xích thì mắc xích trước và sau của nó cũng thay đổi dẫn đến toàn bộ chuỗi bị ảnh hưởng. Do đó có thể hiểu rằng thông tin ghi vào Block rồi sẽ không sửa được.

Vậy ai quản lý các dữ liệu này, chịu trách nhiệm ghi dữ liệu mới?

Đó là hệ thống máy tính ngang hàng p2p (chính là hàng ngàn máy tính đang tham gia vào quá trình giải mã, khai thác bitcoin).

Vậy toàn bộ dữ liệu của blockchain… sẽ được lưu ở máy chủ nào?

Nó sẽ lưu ở bất kì máy tính cá nhân nào tham gia vào mạng lưu trữ p2p của Blockchain đó, đây chính là hệ thống máy chủ ngang hàng giống như Bittorrent. Dung lượng toàn bộ giao dịch và thông tin của Bitcoin nặng khoảng gần 200Gb và cũng tăng lên hàng ngày. 

Blockchain là kết hợp của 3 loại công nghệ:

  • Mật mã học: Sử dụng hàm mã hóa Hash. Bạn có thể hiểu đơn giản dạng mã hóa này bạn có chuỗi A bạn dịch sang chuỗi B thì rất đơn giản nhưng có chuỗi B muốn dịch để có chuỗi A là điều cực kì khó có thể nói là bất khả thi nếu chuỗi đủ dài. Nếu vẫn khó hiểu bạn có thể tưởng tượng việc mã hóa này giống như 1 phương trình cực khó: VD y= x^9+x^2+3… Có x thì tính ra y rất đơn giản nhưng có y tính ra x lại cả một vấn đề.
  • Mạng ngang hàng: Mỗi máy tính tham gia được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng.
  • Lý thuyết trò chơi: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (giao thức PoW, PoS,…) và được thúc đẩy bởi động lực kinh tế.

Như vậy bạn đã hiểu Blockchain là gì và nó hoạt động ra sao rồi chứ.

Phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu rõ về Bitcoin, ứng dụng đầu tiên của Blockchain và cách thức nó hoạt động.